Nhiều người cho rằng SoftBank đã phải trả cái giá “cắt cổ” để thâu tóm ARM. Nhưng thực tế cho thấy với những gì ARM đang nắm giữ, thương vụ này thực sự là một món hời của SoftBank.
ARM Holdings, công ty thiết kế chip của Anh không sản xuất hoặc bán bất kỳ con chip nào, vừa được SoftBank mua lại với giá cao ngất ngưởng là 31,4 tỷ USD. Con số này lớn gấp 4 lần số tiền Microsoft bỏ ra để mua Nokia, gần 3 lần số tiền Google phải trả để mua Motorola, và hơn hàng chục lần chi phí mua Palm của HP. Theo The Verge, chúng ta thường nghĩ những công ty này mới là những người thống trị thế giới di động. Nhưng thực tế những đóng góp vô hình của ARM có tầm ảnh hưởng và giá trị lớn hơn tất cả những cái tên kể trên.
Có thể nói cuộc cách mạng smartphone của thế kỷ này đang xoay quanh ARM. Gần như mọi chiếc điện thoại, máy tính bảng và đồng hồ thông minh trên thế giới ngày nay đều chạy bằng vi xử lý sử dụng kiến trúc ARM. Điều này có nghĩa là ARM thu được bộn tiền nhờ phí bản quyền với mỗi con chip bán ra. Các sản phẩm sử dụng chip của ARM đều không thể thiếu những cái tên đình đám trong làng di động như iPhone, Galaxy, BlackBerry và Lumia. Tất cả, trừ những khách hàng trung thành với Intel, đang sản xuất thiết bị di động chạy bằng chip của ARM. Không chỉ là vi xử lý di động, danh mục sản phẩm của ARM mở rộng sang chip máy chủ, đồ họa, thiết bị không dây và các công cụ phát triển phần mềm khác.
Nói một cách đơn giản, nếu một công ty muốn chế tạo thiết bị di động, họ phải làm việc với ARM.
Sản phẩm của ARM là thông tin. Hãng dành hầu hết thời gian và tiền bạc cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Công sức này đã giúp ARM liên tục tạo ra nhiều thế hệ vi xử lý di động và thiết kế hệ thống mang tính đột phá. Các đối tác phần cứng của ARM có thể chế tạo mọi thứ họ cần, nhưng thuê lại thiết kế của ARM sẽ tiết kiệm hơn nhiều thay vì phải cạnh tranh với bề dày công nghệ của hãng này. Với hơn 4.500 bằng sáng chế đã hoặc đang chờ cấp, ARM là một đại gia về sở hữu trí tuệ. Chỉ cần phát triển các thiết kế và cho đối tác phần cứng thuê lại là ARM có thể ung dung “ngồi mát ăn bát vàng”.
Năm ngoái, Tom Goodwin, giám đốc tập đoàn truyền thông Havas của Pháp, đã nói về một xu hướng đang thịnh hành trong ngành công nghệ như sau: “Uber, công ty taxi lớn nhất thế giới, không có chiếc xe nào. Facebook, mạng truyền thông phổ biến nhất thế giới, không tạo ra nội dung nào. Alibaba, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, không có kho hàng nào. Và Airbnb, nhà cung cấp dịch vụ thuê phòng nhất thế giới, không sở hữu bất động sản nào”.
Tương tự như vậy, ARM cũng là một trong những công ty đang ăn nên làm ra, ngay cả khi không sở hữu bất cứ tài sản vật chất hữu hình nào. Công ty này không tương tác trực tiếp với khách hàng, và có hoạt động giống như các “con buôn” thông tin khác như Facebook, Uber, và Airbnb. ARM kiếm tiền từ khách hàng thông qua các đối tác sản xuất phần cứng trung gian. Cơ chế chung của các công ty trên là như sau: thu thập thông tin có giá trị, giành quyền kiểm soát thông tin đó, bán cho các bên quan tâm và ngồi thu tiền.
Đây là một công thức mà hiện nay đang trở nên quen thuộc. Dữ liệu và phần mềm có thể tốn chi phí sở hữu hoặc sản xuất ban đầu cao. Nhưng một khi đã sở hữu, chi phí cận biên để sản xuất thêm sản phẩm mới và sau đó bán hoặc nhượng quyền sử dụng là bằng không. ARM đã chiếm lĩnh thị trường bằng cách liên tục dẫn trước đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình là Intel. ARM đã thành công trong việc cản đường Intel thâm nhập vào lĩnh vực di động và phát triển một mạng lưới khách hàng trung thành.
Theo các nhà phân tích, lý do chính mà SoftBank thâu tóm ARM là vì vai trò quan trọng của công ty này trong việc phát triển Internet vạn vật (Internet of Things – IoT). Bộ đôi trên thậm chí đã lập ra một website riêng cho thương vụ này, trong đó họ giải thích về lý do tham gia thương vụ của mình và vạch kế hoạch thống trị thị trường còn lớn hơn 90 tỷ chip ARM hiện nay.
Nhưng tương lai của IoT vẫn chưa thực sự hiện thực hóa, và một nhà đầu tư lão luyện như CEO của SoftBank, Masayoshi Son không chi tới 31 tỷ USD cho một công ty tiềm năng. Ông xem ARM vốn dĩ đã là một cỗ máy hái ra tiền với chi phí vận hành tương đối thấp. Nhờ sự kiện Brexit làm đồng bảng Anh sụt giá, Son hiểu rằng mua ARM vào lúc này sẽ rẻ hơn rất nhiều. Ngoài ra, ảnh hưởng của ARM còn lớn hơn nhiều quy mô của công ty này. Tất cả các yếu tố trên đã khiến thương vụ này trở thành một món hời với SoftBank.
Đối với nhiều người, việc một công ty có thương hiệu không được biết đến rộng rãi ngoài giới chuyên môn, lại có giá tới 11 con số là một điều ngớ ngẩn. Nhưng giống như thương vụ thâu tóm WhatsApp của Facebook và Linkedin của Microsoft, đây là một thương vụ có tầm ảnh hưởng lớn trong làng công nghệ. Các nhà sản xuất phần cứng có thể đến rồi đi, nhưng những giá trị mà ARM mang lại là nền tảng cốt lõi và không thể thay thế được của thế giới di động.