10 cách Internet of Things thay đổi thế giới năm 2016

Internet of Things ( IoT) hay vạn vật kết nối vẫn là chủ đề công nghệ của tương lai và câu hỏi được đặt ra là liệu nó sẽ phát triển như thế nào và tới đâu? Theo nghiên cứu của Gartner, vào năm 2016 sẽ có hơn 6,4 tỉ thiết bị kết nối được sử dụng trên toàn cầu, tăng 30% và con số này sẽ đạt 20,8 tỉ thiết bị vào năm 2020. Đây mới chỉ là con số dự đoán, không có gì đảm bảo nhưng một vài xu hướng và công nghệ chuyển đổi đang dần xuất hiện trước mắt chúng ta, cụ thể dưới đây:

Các thiết bị dùng kết nối Bluetooth nhanh hơn, thông minh hơn:

Bluetooth_Smart.jpg

Hiện tại phần lớn các thiết bị IoT vẫn sử dụng 2 kết nối truyền thống là Wi-Fi và Bluetooth để giao tiếp với nhau. Trong đó, Bluetooth được cho là sẽ dẫn đầu cuộc chơi trong năm 2016 với sự ra mắt của Bluetooth Smart. Chuẩn Bluetooth này sẽ mở rộng phạm vi kết nối, mang lại tốc độ cao hơn và hỗ trợ mạng chuyển tiếp dữ liệu (mesh network). Phạm vi kết nối của Bluetooh Smart được kỳ vọng mở rộng gấp 4 lần, tốc độ tăng 100%, truyền dẫn dữ liệu nhanh hơn.

Điều thú vị hơn cả là việc hỗ trợ mạng chuyển tiếp dữ liệu sẽ giúp các thiết bị Bluetooth kết nối cùng nhau trong một mạng nội bộ, phủ sóng toàn bộ một tòa nhà lớn hoặc một căn hộ. Ngoài ra, kết nối Bluetooth cũng muốn len lỏi vào các lĩnh vực như tự động hóa công nghiệp (IIoT), các dịch vụ địa điểm và hạ tầng thông minh.

Văn phòng kết nối:

Connected_Office.jpg

Nhắc đến tự động hóa thì định hướng trong tương lai sẽ là sử dụng các sản phẩm IoT tiên tiến nhất để tạo ra một nhà máy hoặc một quy trình sản xuất tự động hóa. Thời đại này hầu như ai cũng sở hữu smartphone và khi các thiết bị đeo thông minh dần trở nên phổ biến hơn, những văn phòng sẽ trở thành hệ sinh thái kết nối chính, vấn đề còn lại chỉ là thời gian.

Các ứng dụng vị trí và thu thập dữ liệu có thể cho từng nhân viên biết được tình trạng giao thông khi họ đang trang trên đường đến dự một cuộc họp và cũng sớm thôi bạn sẽ “thấy” những đồng nghiệp của mình đi qua đi lại quanh văn phòng trên các ứng dụng hội thoại mặt đối mặt.

Những chiếc “đèn hiệu” sẽ xuất hiện mọi nơi:

Eddystone_Beacon.jpg
Minh họa dự án Eddystone của Google.

Đèn hiệu – Beacon thực chất là tên gọi của một loại thiết bị Bluetooth cỡ nhỏ, tiêu thụ điện năng thấp có thể được lắp đặt tại nhiều nơi để truyền gởi thông tin có chủ đích. Trước đây nhiều cửa hàng bán lẻ đã thử nghiệm loại “đèn hiệu” đặc biệt này để đưa thông tin quảng cáo đến điện thoại của người dùng. Trong tương lai, ứng dụng của đèn hiệu Bluetooth sẽ còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Mike Crooks đến từ công ty Mubaloo Innovation Lab đã đưa ra một ví dụ về ứng dụng công nghệ đèn hiệu Bluetooth trong môi trường làm việc. Ông nói: “Đèn hiệu có nghĩa các ứng dụng sẽ có thể được mở vào đúng thời điểm, địa điểm. Ứng dụng có thể mở đúng trang nội dung để đưa thông tin và công cụ cần thiết đến các công nhân đối với từng tác vụ, công việc nhất định.”

Hiện tại iBeacon của Apple làm việc rất hiệu quả với các thiết bị iOS nhờ giao tiếp tiệm cận nhưng dự án Eddystone của Google sẽ mở ra cơ hội mới cho các lập trình viên cũng như các công ty bởi họ có thể sử dụng một bộ công cụ lập trình duy nhất để phát triển ứng dụng của mình. Năm 2016 sẽ chứng kiến sự xuất hiện của nhiều ứng dụng khám phá tương tác dựa trên đèn hiệu Bluetooth, chẳng hạn như Disqovr.

Cảm biến trở thành tâm điểm:

IoT_Sensors_Wemo.jpg
Một bộ cảm biến trong nhà của Wemo.

Chúng ta có thể gọi Internet of Sensors hơn là Internet of Things. Theo cách diễn giải của Steve Taylor – chuyên gia cố vấn tại The Technology Partnership (TTP): “IoT theo nghĩa rộng hơn là một giải pháp tìm cách giải quyết cho một vấn đề thay vì định nghĩa theo hướng ngược lại. IoT chỉ mang lại nền tảng giao tiếp, Internet of Sensors sẽ đóng vai trò như gốc rễ của một cái cây với tất cả các cảm biến nhiều thể loại thu thập và nạp dữ liệu đưa lên thân cây – ở đây là Internet. Bài học từ Steve là ai nắm bắt được thông tin từ thế giới thật, thu thập và khai thác chúng bằng IoS hay IoT, người đó sẽ giành chiến thắng trong lĩnh vực mới nổi này.

IoT chăm sóc sức khỏe của bạn:

Boston_Scientific_Sensors.png
Máy điều hòa nhịp tim cấy trong cơ thể của Boston Scientific.

Các thiết bị đeo dùng cho bệnh nhân để đo đạt các chỉ số sống còn là một trong những ứng dụng rất thực tế của IoT trong bệnh viện và những công nghệ tương tự cũng đã được sử dụng tại nhà. Cứ như vậy, mô hình “bác sĩ – bệnh nhân” truyền thống sẽ thay đổi và còn có thêm một xu hướng mới đó là cấy các cảm biến vào trong cơ thể con người.

Chính xu hướng này đã thúc đẩy sự cải tiến về công nghệ bởi mọi thứ một khi đã đặt bên trong cơ thể thì buộc phải sử dụng công nghệ cảm biến không dây điện năng cực thấp, không dùng pin. Hoạt động nhờ nguồn năng lượng sinh học, sóng điện từ, rung chấn hay nhiệt, những cảm biến như vậy hiện đang được dùng để giám sát các thiết bị cấy ghép chỉnh hình thông qua điện thoại có kết nối Bluetooth hoặc NFC. Máy điều hòa nhịp tim và các cơ chế phân phối thuốc sẽ là bước tiếp theo. Dự đoán thị trường cảm biến chăm sóc sức khỏe dành cho người tiêu dùng sẽ đạt giá trị 47,4 triệu USD vào năm 2020.

Tăng trưởng chậm và chuyển đổi từ sản phẩm sang dịch vụ:

Nest.jpgMáy điều nhiệt kiêm cảm biến trung tâm Google Nest.

Đã có dự đoán rằng sẽ có hàng tỉ thiết bị IoT trong tương lai nhưng liệu có đúng? Michael Barkway – chuyên gia cố vấn tại The Technology Partnership (TTP) cho rằng: “Có nhiều lý do tốt để nghĩ rằng chuyện này sẽ không xảy ra. Đối với IoT, mô hình chi phí sẽ là many to many và vấn đề của người dám đầu tư sẽ tạo nên sự thay đổi then chốt.” Với nhiều nhà cung cấp, các tiêu chuẩn và công nghệ trong một thị trường phức tạp, IoT sẽ phát triển nhưng chậm.

“Viễn cảnh tối thượng sẽ chỉ xảy ra nếu các công ty ngưng tập trung kinh doanh sản phẩm IoT và bắt đầu trình diễn cũng như bán những giái trị dài hạn của các dịch vụ đi kèm IoT,” John Phillips – phó chủ tịch công ty Zuora, châu Âu đưa ra nhận định này khi nhấn mạnh Nest của Google không chỉ là một chiếc máy điều nhiệt mà nó còn là một hệ thần kinh trung tâm của căn nhà.

Theo Phillips: “Trong vòng 12 tháng tới đây, dữ liệu truyền qua cáp quang sẽ trở nên quan trọng tương đương điện truyền qua lõi đồng. Điều này khiến cho IoT chuyển đổi từ sản phẩm sang giá trị trên bước đường dịch vụ hóa khi các công ty sử dụng dữ liệu để đáp ứng các nhu cầu định hướng dịch vụ của người dùng.”

Cuộc chiến giữa các nền tảng:

Xây dựng IoT có nghĩa tạo ra hệ thống cảm biến đủ mạnh để thu thập dữ liệu sau đó sử dụng các công nghệ không dây ổn định và giá thành phải chăng để truyền dữ liệu vào đám mây. Tuy nhiên, có một cuộc chiến khác sắp sửa nổ ra – cuộc chiến giữa các nền tảng. Cũng giống như cuộc chiến giữa các nền tảng di động, IoT là cuộc đua của những cái tên như Apple HomeKit, Google Brillo, Intel IoTivity, Qualcom AllJoyn cho đến UPnP Forum, ARM mbed và nhiều tay đua mới nổi khác.

Theo dự đoán những liên minh toàn cầu, các diễn đàn, chương trình hợp tác và các công cụ phát triển chỉ đóng vai trò nhỏ trong khi những cái tên lớn (kể trên) sẽ thúc đẩy phát triển nền tảng của riêng mình và những nền tảng nào tốt nhất, nguồn mở hoàn toàn và hoạt động liên hợp sẽ giành chiến thắng.

Thu thập dữ liệu từ đám đông:

Crowdsourcing.jpg

Lấy ví dụ về ứng dụng dự báo thời tiết, dữ liệu phải được cập nhật theo thời gian thực thì mới đảm bảo độ chính xác cao. Tuy nhiên theo thống kê chỉ có khoảng 29.000 trạm thời tiết truyền thống đặt rải rác trên toàn thế giới và tại những quốc gia đang phát triển, số lượng các trạm thời tiết như vậy là không nhiều, từ đó tạo ra những khoảng trống dữ liệu và khiến cho việc dự báo thời tiết chính xác trở nên bất khả thi.

Theo Charles Ewen – giám đốc thông tin tại Met Office: “IoT sẽ mở ra nhiều phương pháp mới để thu thập dữ liệu quan sát.” Nhờ đó những thiết bị như Netatmo Weather Station sẽ trở nên phổ biến hơn khi số lượng điểm thu thập dữ liệu đạt con số hàng triệu. Ông nói thêm rằng IoT cung cấp mật độ điểm quan sát lớn hơn với số lượng không thể đếm được, trong khi đó mạng lưới quan sát thời tiết hiện tại bị giới hạn bởi số lượng và chi phí hoạt động, bảo trì cũng rất đắt đỏ. Điều này có được nhờ cảm biến trên smartphone, với số lượng đông đảo, các cảm biến này sẽ mang lại khả năng lại nguồn dữ liệu được thu thập từ đám đông và nạp vào các mạng lưới dự báo thời tiết.

Giám đốc IoT – chức vụ mới thay thế cho CTO:

Chief_IoT_Officer.jpg

Kể từ năm sau thì một chức danh mới sẽ được khai sinh, bên cạnh giám đốc công nghệ thì sẽ có thêm giám đốc IoT. Rất nhiều công ty trong nhiều ngành công nghiệp hiện tại không chỉ bán các sản phẩm rời rạc mà đi kèm với các phần mềm kết nối cũng như tự động hóa. Chính sự chuyển dịch này, CTO trong công ty hoặc sẽ được khuyến khích chuyển đổi thành giám đốc IoT hoặc có thêm cộng sự mới là giám đốc IoT. Khi IoT trở nên trưởng thành hơn, chức danh giám đốc công nghệ có thể chỉ còn trong quá khứ.

Tùy biến giấc ngủ:

Samsung_SleepSense.jpg
Samsung SleepSence.

IoT sẽ sớm can thiệp vào giấc ngủ của bạn. Hiện tại có hơn 9000 ứng dụng và thiết bị công nghệ giúp giám sát giấc ngủ và nhiều trong số đó thậm chí còn có thể tự động bật/tắt đèn ngủ. Giấc ngủ của chúng ta cũng trở nên thông minh hơn khi các ứng dụng có thể kết nối với tất cả các thiết bị thông minh từ điện thoại cho tới đèn phòng, từ cảm biến Nest cho đến rèm cửa điện tử, tất cả đều nhằm mục đích tối ưu hóa môi trường phòng ngủ, giúp chúng ta ngủ ngon hơn, giấc ngủ chất lượng hơn.

Vào năm tới, Samsung sẽ ra mắt SleepSence – một thiết bị cải thiện chất lượng giấc ngủ khi có thể đặt dưới gối và bạn có thể giám sát trực tiếp giấc ngủ từ điện thoại. Bên cạnh đó còn có Juvo – một thiết bị giám sát giấc ngủ đặt bên dưới nệm và sử dụng dữ liệu thu thập theo từng phút để điều chỉnh môi trường ngủ bao gồm nhiệt độ phòng, màu sắc ánh sáng và âm thanh. Thiết bị này cũng kết nối với IFTT để thực hiện nhiều tính năng mở rộng.

Nguồn: https://tinhte.vn/threads/10-cach-internet-of-things-thay-doi-the-gioi-nam-2016.2537681/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *